Home Đào tạo, Tuyển sinh, Học bổng Thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ

Thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ

0
Thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ

TTH – Đại học (ĐH) Huế đang xây dựng ĐH Quốc gia theo hướng nghiên cứu và Trường ĐH Nông lâm là cơ sở giáo dục đang làm tốt hoạt động nghiên cứu, khi ngày càng có nhiều sản phẩm khoa học công nghệ thương mại hoá.

PGS. TS. Nguyễn Văn Toản, Trưởng khoa Cơ khí – Công nghệ, Trường ĐH Nông lâm là người có nhiệt huyết với hoạt động nghiên cứu khoa học và đã có nhiều nghiên cứu khoa học công nghệ thương mại hóa, chuyển giao công nghệ

PGS. TS. Nguyễn Văn Toản, Trưởng khoa Cơ khí – Công nghệ, Trường ĐH Nông lâm là người đã có 15 năm tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH). Thầy đã chủ trì và tham gia khoảng 30 đề tài, dự án về công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, nâng cao chuỗi giá trị nông sản, giảm tỷ lệ hư hỏng, hạ thấp tổn thất, hướng tới sản phẩm sạch, chất lượng nhằm tăng thu nhập cho nông dân.

Một số nghiên cứu của thầy Toản đã được thương mại hóa như nghiên cứu chế biến, bảo quản các sản phẩm thực phẩm được chế biến từ măng tre. Hiện nay, các sản phẩm của công trình này (măng muối chua, măng dầm dấm ớt) đã chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Hoàng Tuấn Tùng ở Quảng Trị và đã được phân phối trên hệ thống siêu thị Big C toàn quốc. Măng thường thu hoạch theo mùa nên thời hạn bảo quản ngắn, gây khó khăn cho công tác tiêu thụ sản phẩm. Chính vì vậy, cần tìm ra các giải pháp kỹ thuật trong công nghệ chế biến sau thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm, kéo dài thời hạn sử dụng mà không dùng chất hóa học bảo quản, giúp bảo quản sản phẩm tốt và cung cấp quanh năm.

Ngoài ra, một số nghiên cứu đã được hợp tác với các công ty, doanh nghiệp để sản xuất và cho ra thị trường, như: dây chuyền công nghệ chế biến tinh bột nghệ có hàm lượng curcumin cao, được chuyển giao công nghệ cho Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng – Thông tin khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị; bảo quản, chế biến sản phẩm từ bơ tại Tây Nguyên, chuyển giao công nghệ cho Công ty TNHH bơ Trịnh Mười (Tây Nguyên).

Những năm gần đây, các sản phẩm nghiên cứu tại Trường ĐH Nông lâm được thương mại hóa cho thấy, nhiều đề tài nghiên cứu của trường ngày càng đi sát nhu cầu thực tế, giàu triển vọng ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Năm học 2018 – 2019, trường giám sát quản lý 2 đề tài cấp Nhà nước và quỹ gen, 12 đề tài cấp bộ, 3 đề tài Nafosted, 9 đề tài liên kết, 31 đề tài cấp ĐH Huế, hơn 200 đề tài cấp cơ sở trường và NCKH sinh viên; hoàn thành đề xuất và sơ tuyển danh mục đề tài KHCN cấp Bộ, 4 ý tưởng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt danh mục, cấp ĐH Huế (19 ý tưởng, theo hướng tăng kinh phí/đề tài và tăng yêu cầu về xuất bản trên hệ thống ISI và Scopus) thực hiện từ 2020.

TS. Phạm Hữu Tỵ, Trưởng phòng Khoa học công nghệ – Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Nông lâm, cho hay, trong những năm qua, trường đã tổ chức các lớp tập huấn về viết bài báo quốc tế, xử lý thống kê, phương pháp nghiên cứu… để góp phần nâng cao chất lượng xuất bản, đặc biệt là xuất bản quốc tế cũng như khả năng tìm kiếm đề tài cho CBGV; các hội thảo về cơ chế thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong trường ĐH trong bối cảnh tự chủ, từ đó có được cơ chế chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học phù hợp.

Không chỉ thúc đẩy NCKH trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, năm học vừa qua, trường đã triển khai cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khoa học và khởi nghiệp nông nghiệp sinh viên 2018” đã thu hút 88 ý tưởng với hơn 300 sinh viên tham. Ý tưởng “Sản xuất chế phẩm xạ khuẩn” (Khoa Thủy sản) đã xuất sắc giành giải nhất. Có 5 doanh nghiệp cam kết tài trợ kinh phí thực hiện các ý tưởng đạt giải khác.

Theo PGS.TS. Lê Đình Phùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm, bên cạnh nhiệm vụ hàng đầu là hoạt động đào tạo, Trường ĐH Nông lâm còn tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học gắn công bố quốc tế, chuyển giao công nghệ, tạo sản phẩm thương mại hoá. Trong lĩnh vực nông lâm ngư, các nghiên cứu bảo tồn và lai tạo giống cây con mới, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học, bảo vệ môi trường, sản xuất chế phẩm sinh học đã góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp và nông thôn của địa phương.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here