Tham luận của sinh viên Phạm Thị Kim Chi CNTP 43: Kinh nghiệm tham gia nghiên cứu khoa học của sinh viên

0
1647

KINH NGHIỆM THAM GIA NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG SINH VIÊN

                                                 

Kính thưa quý vị đại biểu! Kính thưa quý thầy cô, cùng toàn thể các bạn sinh viên thân mến!
Hôm nay, em rất vui và vinh dự được tham dự  “Hội nghị Học tập tốt – Rèn luyện tốt và tổng kết năm học 2012-2013”; được đại diện cho các bạn sinh viên trong khoa trình bày tham luận “Kinh nghiệm tham gia nghiên cứu khoa học trong sinh viên”. Lời đầu tiên, em xin được gửi đến quý vị đại biểu, quý thầy cô và các bạn sinh viên lời chúc sức khỏe và lời chào trân trọng nhất.
Kính thưa Hội nghị!
Học tập và rèn luyện luôn là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của mỗi sinh viên trên giảng đường đại học. Để học tốt, ngoài kiến thức chuyên ngành, chúng ta cần chuẩn bị cho mình nhiều hành trang cần thiết như khả năng ngoại ngữ, tin học, kỹ năng giao tiếp… trong đó trước hết phải kể đến là công tác nghiên cứu khoa học.
Nghiên cứu khoa học là một hình thức học tập đang được quan tâm và tham gia của nhiều sinh viên. Lựa chọn nghiên cứu khoa học là lựa chọn một con đường đầy chông gai nhưng phía cuối con đường là những trái quả hết sức ngọt ngào. Trái quả đó không chỉ là những thành tích, những bài báo được công bố trên các trang của tạp chí khoa học… mà còn là những kinh nghiệm thu hái được trong quá trình làm nghiên cứu:
– Bằng việc tham gia nghiên cứu khoa học, dù ít hay nhiều, bạn cũng đã trang bị cho mình thêm nhiều kiến thức về các phương pháp phân tích, kỹ năng thực hành ở phòng thí nghiệm… Qua đó, bạn không những hiểu sâu hơn những kiến thức đã học, mở rộng tri thức và phát triển tư duy khoa học; mà hơn hết còn hiểu được những khía cạnh của ngành nghề đang theo đuổi.
– Nghiên cứu khoa học không những giúp bạn lấp đầy những lỗ hổng về kiến thức, mà còn trang bị cho bạn những kỹ năng khác nhau như: kỹ năng phân tích vấn đề, kỹ năng nói và thuyết trình khi bảo vệ trước hội đồng; kỹ năng viết một bài báo khoa học cũng như kỹ năng làm việc nhóm. Đây cũng là tiền đề để các bạn tiếp tục công tác làm khóa luận tốt nghiệp sau này.
– Trong quá trình nghiên cứu, chắc chắn rằng các bạn sẽ gặp không ít khó khăn, chẳng hạn như gặp phải những sự cố khi vận hành và thao tác với thiết bị. Lúc đó, cần bình tĩnh, phát hiện và phân tích nguyên nhân để kịp thời khắc phục sự cố. Do đó, nghiên cứu khoa học còn giúp bạn rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề; như ông cha ta đã từng nói: “cái khó ló cái khôn”.
Nghiên cứu khoa học như một sân chơi trí tuệ, lành mạnh và bổ ích; là cơ hội để sinh viên phát huy các ý tưởng sáng tạo của mình. Tuy nhiên một thực tế đáng buồn là vẫn còn nhiều sinh viên tỏ ra thờ ơ, xem nghiên cứu khoa học là một cái gì đó xa lạ; thậm chí ngại khó, ngại khổ khi tham gia nghiên cứu khoa học.
Là sinh viên năm cuối, đã có cơ hội tiếp cận và tham gia nghiên cứu khoa học, mình xin chia sẻ với các bạn một vài kinh nghiệm; hy vọng sẽ giúp các bạn đam mê hơn trong nghiên cứu khoa học:
– Trước hết, cần tin vào khả năng của mình. Rào cản lớn nhất đối với sinh viên khi nghiên cứu khoa học là không nghĩ rằng mình có thể làm được điều đó. Không ít sinh viên đã bỏ cuộc giữa chừng bởi vì sự thiếu tự tin và mất kiên nhẫn. Bản thân mình khi bắt đầu tham gia nghiên cứu cũng gặp rất nhiều khó khăn, từ việc sắp xếp thời gian, bố trí thí nghiệm, đến việc sử dụng thiết bị hay các thao tác với dụng cụ và hóa chất. Tất cả đều bắt đầu từ số 0. Nhưng chỉ sau 1 thời gian rất ngắn, mình đã làm quen với công việc ở phòng thí nghiệm, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè và thầy giáo hướng dẫn.
– Nghiên cứu khoa học có thể là một lĩnh vực “cao xa” dành cho các nhà khoa học hay thầy cô giáo; nhưng cũng có thể là những đề tài, vấn đề nhỏ gần gũi với cuộc sống hằng ngày mà phù hợp với sinh viện. Chẳng hạn, chúng ta đã từng biết đến các loại rượu khác nhau như rượu vang từ nho, rượu whisky từ ngũ cốc… là các sản phẩm đắt tiền từ những nguyên liệu đắt tiền. Trên cơ sở đó, bạn có thể nghĩ đến hướng nghiên cứu, tìm kiếm một loại nguyên liệu khác rẻ tiền hơn để thay thế một phần hoặc hoàn toàn nguyên liệu cũ; mà vẫn cho hương vị đặc trưng và phù hợp với nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.
– Trong nghiên cứu khoa học, đứng trước một đề tài nào đó mà một người không đủ sức nghiên cứu thì có thể kết hợp nhiều người. Trong một nhóm nghiên cứu, các thành viên có thể trao đổi thông tin với nhau, thường xuyên bàn luận, đặt câu hỏi và trả lời; như vậy sẽ giúp các bạn nắm chắc kiến thức; dễ dàng phát hiện các sai sót và đề ra biện pháp tối ưu hơn. Vì vậy, khi đã vạch rõ ý tưởng của mình, các bạn có thể thành lập một nhóm gồm các thành viên cùng chung sở thích, ý tưởng và đam mê nghiên cứu để có định hướng chung và cùng nhau thực hiện.
– Được biết các thầy cô trong khoa có rất nhiều đề tài và tham gia nhiều dự án khác nhau. Các bạn có thể đăng ký ở thầy cô những đề tài mà mình yêu thích; qua đó các bạn sẽ được thầy cô hướng dẫn về mặt chuyên môn và có thể tiết kiệm được kinh phí đầu tư vật liệu thí nghiệm.
– Nhiều bạn có những ý tưởng rất hay nhưng chưa biết cách để triển khai ý tưởng đó như thế nào. Lúc này, các bạn có thể tranh thủ sự giúp đỡ của thầy cô – là những người có kiến thức sâu rộng về mảng đề tài mà bạn yêu thích để được định hướng rõ hơn về đề tài của mình.
– Mỗi năm đều có các nhóm sinh viên làm đề tài tốt nghiệp. Các bạn có thể liên hệ với các anh chị năm cuối để được giúp đỡ và làm quen với các công việc ở phòng thí nghiệm.
– Ngoài ra, không ai khác, chính bản thân các bạn cần tự tạo cho mình niềm đam mê trong nghiên cứu khoa học. Bởi vì việc gì cũng thế, có đam mê thường dễ thành công hơn. Muốn vậy, trong quá trình nghiên cứu, luôn tự đặt cho mình câu hỏi “vì sao?” và cần phải thay đổi suy nghĩ “nói theo thầy, viết theo thầy” bởi lẽ chính sự bị động đó đã khiến cho sinh viên nản chí, không tha thiết với đề tài mà mình đang nghiên cứu. Khi nghiên cứu khoa học, không sợ khó, sợ khổ; biết kiên trì và không sợ thất bại. Bởi vì thất bại là mẹ của thành công. Những sai sót sẽ dần ít đi nếu chúng ta biết rút kinh nghiệm và chịu khó sửa sai.
– Cuối cùng, phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về phương pháp luận khoa học; trau dồi thêm khả năng đọc hiểu tài liệu Tiếng Anh bởi đây là một nguồn kiến thức rất quan trọng mà không phải ai cũng nắm bắt được.
Trên đây là một vài kinh nghiệm nhỏ của bản thân; hy vọng rằng nó sẽ giúp ích phần nào cho các bạn. Chúc các bạn học tốt và đam mê hơn với nghiên cứu khoa học. Chúc hội nghị thành công tốt đẹp.

Theo: KINH NGHIỆM THAM GIA NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG SINH VIÊN 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here