SỬ DỤNG KIẾN THỨC KHOA HỌC TỪ GIẢNG ĐƯỜNG ĐẠI HỌC VÀO THỰC TIỄN SẢN XUẤT – HOẠT ĐỘNG MANG LẠI HIỆU QUẢ CAO VÀ PHÙ HỢP CỦA TẬP THỂ GIẢNG VIÊN VÀ SINH VIÊN KHOA CƠ KHÍ VÀ CÔNG NGHỆ, TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM, ĐẠI HỌC HUẾ

Sau khi hoàn thành xuất sắc hoạt động nghiên cứu khoa học của nhóm sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm, khoa Cơ khí và Công nghệ, trường Đại học Nông Lâm Huế với sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Nguyễn Văn Toản và Nghiên cứu sinh Trần Thị Kim Nhi – những người đã tận tình cố vấn và đồng hành cùng nhóm từ những bước đầu tiên cho đến khi hoàn thành quá trình nghiên cứu. Nhóm đã tiếp tục tham dự cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ Thừa Thiên Huế lần thứ nhất, năm 2024 với Dự án TƯƠNG MĂNG – NÂNG TẦM GIÁ TRỊ MĂNG HUẾ đã xuất sắc đạt giải Ba của cuộc thi.

Dự án nhằm bảo tồn di sản ẩm thực địa phương và nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân trồng măng. Sáng kiến này không chỉ khôi phục và phát triển giá trị của măng Huế mà còn xây dựng thương hiệu mạnh mẽ và đẩy mạnh các hoạt động marketing để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng khắp các tỉnh thành của Việt Nam.

Bên cạnh đó, dự án cũng tái khởi động làng nghề truyền thống “Tương măng”, khuyến khích người dân quy hoạch lại vùng nguyên liệu và thành lập hợp tác xã để tăng cường sự liên kết trong cộng đồng. Qua đó, dự án sẽ nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thị trường ổn định và góp phần tăng thu nhập cho người dân có truyền thống làm tương măng Phong Điền, Thừa Thiên Huế và mở ra cơ hội cho người đồng bào, dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi (Nam Đông, A Lưới), thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Tham gia cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ Thừa Thiên Huế lần thứ nhất năm 2024 mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc cho sinh viên chuyên ngành Công nghệ Thực phẩm, Khoa Cơ khí và Công nghệ, Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Đây không chỉ là cơ hội để thể hiện sự sáng tạo và năng lực của bản thân, mà còn giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình và quản lý dự án. Cuộc thi tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích sinh viên nghiên cứu và phát triển ý tưởng mới, đồng thời kết nối với các chuyên gia và doanh nhân trong lĩnh vực khởi nghiệp. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội và kinh tế, sự tham gia này còn góp phần xây dựng tinh thần khởi nghiệp, giúp sinh viên hình thành những bước đi đầu tiên trên con đường phát triển sự nghiệp tương lai của chính bản thân sinh viên.

Trao đổi thêm về hoạt động này, PGS.TS. Nguyễn Văn Toản – Trưởng khoa Cơ khí và Công nghệ, trường Đại học Nông Lâm Huế, đồng thời là người cố vấn khoa học cho nhóm dự án cho biết “Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và tham gia với các hoạt động khoa học, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo luôn được lãnh đạo khoa và nhà trường quan tâm, tạo điều kiện tối đa để cán bộ giảng viên và sinh viên đang công tác, theo học tại khoa trao đổi, chia sẻ những nghiên cứu, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ vào thực tiễn sản xuất, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa giảng đường đại học với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là nội dung và chiến lược quan trọng mà lãnh đạo khoa luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao để nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực của sinh viên để đáp ứng nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động và xã hội sau này. Hằng năm, khoa luôn cử cán bộ giảng viên hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất để sinh viên nghiên cứu, triển khai các đề tài, dự án phù hợp với ngành học và thực tiễn sản xuất. Qua đó, giúp giảng viên và sinh viên đạt được những thành tích, giải thưởng cao tại các cuộc thi, hoạt động khoa học trong và ngoài nước”

PGS.TS. Phạm Hữu Tỵ – Trưởng phòng Khoa học, công nghệ và Thông tin thư viện của trường Đại học Nông Lâm Huế chia sẻ “Khoa Cơ khí và Công nghệ là đơn vị dẫn đầu về hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sáng tạo khoa học trẻ trong toàn trường và Đại học Huế thời gian qua. Hằng năm đều có các đề tài của cán bộ giảng viên và sinh viên của khoa đạt các giải thưởng, thành tích cao của các cuộc thi trong nước và khu vực, dự án tương Măng – Nâng tầm giá trị Măng Huế là một trong số đó; năm 2023 nhóm sinh viên với dự án sản xuất chè hạt sen Huế và các sản phẩm từ sen Huế đã đại diện cho các nhóm dự án sinh viên đại học Huế tham dự cuộc thi sáng tạo trẻ khu vực Đông Nam Á tại Thái Lan và đạt giải Ba tại cuộc thi, dự án Mực SpiceD tham gia và đạt giải cao tại cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo năm 2024 của Đại học Huế,…”

Với những thành tích như vậy, nhóm sinh viên và đội ngũ giảng viên cố vấn khoa học luôn đồng hành và chia sẻ với sinh viên các khoá để nâng cao các hoạt động khoa học, sáng tạo trong tương lai.

Thành viên dự án được nhận giấy chứng nhận của cuộc thi
Nhóm sinh viên chuyên ngành Công nghệ thực phẩm, Khoa Cơ khí và Công nghệ, Đại học Nông Lâm Huế tham gia cuộc thi
Giấy chứng nhận nhóm tác giả đạt được giải Ba cuộc thi