Tổng quan về ngành Kỹ thuật Cơ điện tử
Ngành Kỹ thuật Cơ điện tử đào tạo sinh viên trở thành người kỹ sư có khả năng giải quyết những vấn đề liên quan đến thiết kế, chế tạo, vận hành, cải tiến và bảo trì các hệ thống máy móc thiết bị cơ điện tử trong các qui trình sản xuất và chế tạo của các nhà máy và xí nghiệp; có khả năng thích nghi và áp dụng các công nghệ tiên tiến của khu vực và thế giới nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Chương trình đào tạo được thiết kế với thời gian học thí nghiệm/thực hành nhiều, học thực hành song song với lý thuyết sẽ giúp sinh viên tiếp thu bài tốt hơn. Khoa Cơ Khí và Công Nghệ có tất cả 5 phòng thí nghiệm/thực hành gồm phòng thực hành kỹ thuật điện -điện tử, phòng thực hành kỹ thuật điều khiển tự động hóa, phòng máy tính và mô phỏng, phòng thực hành cơ khí – gia công kim loại và không gian sáng tạo Robot.
Trong suốt chương trình học, sinh viên được trau dồi kỹ năng và kiến thức qua các đợt thực tập tiếp cận nghề, thao tác nghề và thực tế nghề tại các doanh nghiệp tại địa phương và các thành phố lớn trong cả nước. Khoa Cơ khí và Công nghệ đã liên kết và hợp tác với nhiều công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để sinh viên ngành Kỹ thuật cơ điện tử có điều kiện tham gia trải nghiệm thực tập tế tốt nhất nhằm rèn luyện kỹ năng và tiếp cận được với những hệ thống Cơ điện tử đa dạng và hiện đại.
Triển vọng nghề nghiệp
Việt Nam đang bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Vì thế, nhu cầu ứng dụng tự động hóa vào trong sản xuất của đất nước đang ở vào giai đoạn phát triển nhanh và mạnh.Theo dự báo, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật nói chung và nhân lực ngành Kỹ thuật Cơ điện tử nói riêng sẽ rất cao và sẽ còn duy trì sức hút của nó trong nhiều năm tới. Sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Cơ điện tử có thể đảm nhận các vị trí:
– Kỹ sư thiết kế, vận hành hệ thống phần cứng và phần mềm điều khiển máy móc, thiết bị tự động, hệ thống sản xuất tự động tại các công ty về cơ khí, điện – điện tử.
– Nhân viên tư vấn công nghệ, thiết kế kỹ thuật, lập trình điều khiển, thi công và chuyển giao các dây chuyền, hệ thống tự động, bán tự động tại các công ty về cơ khí, điện – điện tử.
– Giám đốc kỹ thuật, trưởng bộ phân kỹ thuật tại các công ty, doanh nghiệp liên quan đến cơ khí, điện – điện tử.
– Làm chủ doanh nghiệp hay khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cơ điện tử.
– Cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước liên quan đến lĩnh vực cơ khí, điện tử và tự động hóa.
– Giảng viên, nghiên cứu viên tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các viện, trung tâm nghiên cứu về lĩnh vực cơ điện tử.
Có nhiều công ty, doanh nghiệp lớn đang là đối tác và gắn kết với khoa, nhà trường trong đào tạo và tuyển dụng sinh viên ngành Kỹ thuật cơ điện tử sau khi tốt nghiệp. Trong đó, Công ty Cổ phần GreenFeed Việt Nam, Công ty TNHH CJ Vina Agri, Công ty TNHH Chế xuất Billion Max Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ với khoa để tạo điều kiện cho sinh viên thực tập hưởng lương tại doanh nghiệp và tuyển dụng vào làm việc tại công ty sau khi tốt nghiệp. Trong thời gian thực tập tại doanh nghiệp, sinh viên được các học tập và làm việc trong môi trường thực tế để nâng các kỹ năng cần thiết. Đây là bước đệm quan trọng để sinh viên có thể tiếp cận nhanh được với thực tế sản xuất sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, sinh viên ngành Kỹ thuật cơ điện tử được nhiều doanh nghiệp khác hỗ trợ trong thực hành, thực tập và tuyển dụng như: Công ty Quảng cáo & Hội chợ Thương mại Thành Công Huế, Công ty TNHH Châu Đà – Đà Nẵng, Công ty TNHH dây và cáp điện Vạn Xuân, Công ty PNH Electric, Nhà máy Ô tô Chu Lai Trường Hải – Quảng Nam, Nhà máy thép Hòa Phát – Dung Quất – Quảng Ngãi, Công ty Cổ phần Vật tư Nông nghiệp Thừa Thiên Huế, Trung tâm nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ Cơ Điện Nông nghiệp Miền Trung,…
Ngoài ra, sinh viên ngành Kỹ thuật cơ điện tử còn có cơ hội đi thực tập hưởng lương tại các nước phát triển như Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Israel và một số nước tiên tiến khác…
Nếu bạn yêu thích kỹ thuật, mong muốn được học tập trong môi trường tốt và có được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, cũng như cơ hội đi trao đổi, học tập và làm việc tại các nước tiên tiến như Nhật Bản, Đan Mạch, Israel,… thì hãy đăng ký vào ngành Kỹ thuật Cơ điện tử, Khoa Cơ khí và Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế.
Thông tin ngành Kỹ thuật Cơ điện tử – Khoa Cơ khí và Công nghệ – Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế.
I. THÔNG TIN CHUNG
1. Tên chương trình đào tạo: Kỹ thuật cơ điện tử
- Tên chương trình đào tạo: Mechatronics Engineering
- Trình độ đào tạo: Đại học
- Mã ngành đào tạo: 7520114
- Đối tượng tuyển sinh: Theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Thời gian đào tạo: 4,5 năm
- Loại hình đào tạo: Chính quy
- Khối lượng kiến thức toàn khóa: 158 tín chỉ
- Văn bằng tốt nghiệp: Kỹ sư
II. MỤC TIÊU VÀ CHUẨN ĐẦU RA
Mục tiêu đào tạo
1. Mục tiêu chung
Chương trình đào tạo đại học ngành Kỹ thuật cơ điện tử nhằm mục tiêu đào tạo kỹ sư có phẩm chất, đạo đức, sức khỏe tốt; có năng lực chuyên môn để giải quyết những vấn đề liên quan đến thiết kế, chế tạo, vận hành, cải tiến và bảo trì các hệ thống máy móc thiết bị cơ điện tử trong các qui trình sản xuất, các nhà máy và xí nghiệp; tham gia xây dựng dự án về phát triển sản xuất; tham gia công tác tổ chức, quản lý, chỉ đạo quá trình sản xuất; yêu nghề, năng động, sáng tạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong nước và khu vực về cơ điện tử.
2. Mục tiêu cụ thể
Kiến thức
Chương trình đào tạo trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên, tin học, ngoại ngữ, đáp ứng cho việc tiếp thu các kiến thức giáo dục chuyên nghiệp và khả năng học tập ở trình độ cao hơn. Có kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành đáp ứng năng lực vận dụng, nghiên cứu phát triển và giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực liên quan đến các hệ thống cơ khí, cơ – điện tử, điện – điện tử và các hệ thống điều khiển tự động.
Kỹ năng
Chương trình đào tạo trang bị kỹ năng nghề nghiệp về vận dụng các kiến thức khoa học, đọc và lập các bản vẽ kỹ thuật cơ điện tử, sử dụng phần mềm công nghệ thông tin chuyên ngành; vận dụng kiến thức nghề nghiệp để thực hiện các công tác thiết kế, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống cơ điện tử; phân tích, đánh giá, xử lý vấn đề kỹ thuật và các kỹ năng mềm liên quan đến giao tiếp, thuyết trình, quản lý, lãnh đạo và khởi nghiệp.
Năng lực tự chủ và tự chịu trách nhiệm
Chương trình đào tạo xây dựng năng lực nghề nghiệp như: vận dụng kiến thức tổng hợp vào thực tiễn, tư vấn, giám sát, phân tích, đánh giá, cải tiến, sáng tạo, lập kế hoạch, tổ chức, thực hiện các vấn đề liên quan chuyên môn; các năng lực tự chủ với cá nhân, xã hội như đạo đức nghề nghiệp, tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo
- Kiến thức (PLO1)
– PLO1.1. Vận dụng được kiến thức cơ bản về khoa học chính trị, pháp luật; giáo dục thể chất (chứng chỉ); quốc phòng – an ninh (chứng chỉ); công nghệ thông tin (chứng chỉ Ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản) vào công việc thực tiễn của một kỹ sư ngành Kỹ thuật Cơ điện tử.
– PLO1.2. Vận dụng kiến thức về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và môi trường làm nền tảng công cụ để giải quyết các vấn đề trong công việc thực tiễn của một kỹ sư Kỹ thuật Cơ điện tử một cách khoa học và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghiệp 4.0.
– PLO1.3. Vận dụng được kiến thức cơ sở ngành và nhóm ngành để có thể tính toán, thiết kế, gia công, lắp đặt và giải quyết các vấn đề thực tiễn thuộc lĩnh vực cơ khí, cơ điện tử và tự động hóa.
– PLO1.4. Vận dụng được kiến thức nghề nghiệp về cơ khí, điện, điện tử, tin học ứng dụng, điều khiển và tự động hóa để tính toán, thiết kế mới hoặc cải tiến các bộ phận cụ thể của hệ thống cơ điện tử, máy móc thiết bị trong các hệ thống sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, chế biến nông sản phẩm thực phẩm.
– PLO1.5. Vận dụng được kiến thức chuyên ngành trong tổ chức, quản lý công tác vận hành và bảo trì hệ thống cơ – điện tử, hệ thống tự động.
– PLO1.6. Vận dụng được các kiến thức bổ trợ về phương pháp tiếp cận khoa học, kỹ năng mềm, kỹ năng kinh doanh và khởi nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp.
- Kỹ năng (PLO2)
– PLO2.1. Kỹ năng xác định, lựa chọn các giải pháp giải quyết và cải thiện các vấn đề liên quan đến công việc thực tiễn ngành Kỹ thuật cơ điện tử một cách phù hợp.
– PLO2.2. Xây dựng đề cương, thực hiện nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh chuyên môn; phân tích dữ liệu, diễn giải và truyền đạt các kết quả thực hiện, đánh giá chất lượng và hiệu quả công việc.
– PLO2.3. Kỹ năng tạo ra ý tưởng, phát triển khởi nghiệp như một chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho mình và cho người khác trong môi trường nghề nghiệp luôn thay đổi.
– PLO2.4. Có năng lực bậc 3/6 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam (Chứng chỉ B1 tiếng Anh hoặc tương đương).
– PLO2.4. Có kỹ năng đọc và phân tích các bản vẽ kỹ thuật về hệ thống cơ khí, cơ điện tử, điện – điện tử và tự động hóa; có kỹ năng sử dụng thành thạo, linh hoạt, các phần mềm thiết kế và mô phỏng hệ thống cơ điện tử.
– PLO2.5. Có kỹ năng tính toán, thiết kế và xây dựng một hệ thống cơ điện tử, một bộ phận, hay một quy trình để đáp ứng nhu cầu đặt ra.
– PLO2.6. Có kỹ năng vận hành máy móc gia công cơ khí và vận hành, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống cơ điện tử.
- Năng lực tự chủ và trách nhiệm (PLO3)
– PLO3.1. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội của một công dân trong thể chế đang sống và làm việc với bối cảnh toàn cầu hóa.
– PLO3.2. Thực hiện làm việc, học tập một cách độc lập hoặc theo nhóm, hướng dẫn và giám sát người khác thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả trong bối cảnh thay đổi thường xuyên của công việc.
– PLO3.3. Thực hành được các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của một kỹ sư ngành Kỹ thuật cơ điện tử.
III. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường
– Có khả năng tự học tập, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ ngành Kỹ thuật cơ điện tử vào thực tế sản xuất.
– Có khả năng học tập bậc sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) liên quan đến Kỹ thuật cơ điện tử ở trong nước và quốc tế.
THÔNG TIN LIÊN HỆ TƯ VẤN TUYỂN SINH
Hotline: 0888.011.101; 0234.3514294;
Email: tuyensinh@huaf.edu.vn;
Website: tuyensinh.huaf.edu.vn; ckcn.huaf.edu.vn; huaf.edu.vn;
Zalo: Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế