Tuyển sinh Đại học – Ngành Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm (Food quality assurance and Safety)

Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm là ngành khoa học về xử lý, chế biến, bảo quản và phân phối thực phẩm bằng việc sử dụng các biện pháp phòng ngừa nhằm phòng tránh thực phẩm bị hư hỏng, phòng chống bệnh tật do thực phẩm gây ra từ đó tránh được nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người.

Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, lương thực thực phẩm là một loại sản phẩm chiến lược, có ý nghĩa kinh tế chính trị, xã hội rất quan trọng. Đảm bảo chất lượng hàng hóa là yếu tố sống còn của doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập. Nền kinh tế càng phát triển, đòi hỏi nâng cao chất lượng hàng hóa càng tăng. Riêng đối với thực phẩm, việc nâng cao chất lượng hàng hóa là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững, nâng cao đời sống người dân và hội nhập kinh tế quốc tế.

Việc đào tạo Kỹ sư ngành Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm là đúng theo định hướng phát triển nguồn nhân lực từ 2012 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đang triển khai trên khắp cả nước nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ làm chuyên môn lĩnh vực Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm của Việt Nam.

Sinh viên ngành ĐBCL & ATTP trong buổi thực hành tại Khoa CK và CN

I. THÔNG TIN CHUNG

  1. Tên chương trình đào tạo (bằng tiếng Việt): Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm
  2. Tên chương trình đào tạo (bằng tiếng Anh): Food quality assurance and Safety
  3. Tên viết tắt của chương trình đào tạo: ĐBCL & ATTP
  4. Trình độ đào tạo: Đại học
  5. Loại hình đào tạo: Chính quy
  6. Mã ngành đào tạo: 7540106
  7. Thời gian đào tạo: 4,5 năm
  8. Ngôn ngữ đào tạo: Tiếng Việt
  9. Khối lượng kiến thức toàn khóa: 157 tín chỉ
  10. Văn bằng tốt nghiệp: Bằng kỹ sư

Xem thêm thông tin tuyển sinh năm 2024 tại đây

II. CÁC KHỐI KIẾN THỨC/ MÔN HỌC

Chương trình đào tạo ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm và kiểm soát chất lượng thực phẩm. Các kiếm thức cơ sở ngành điển hình như Hóa sinh thực phẩm, vi sinh thực phẩm, Hóa học thực phẩm, Vật lý học thực phẩm, Các quá trình công nghệ cơ bản trong sản xuất thực phẩm, Thực hành hóa sinh – vi sinh thực phẩm …; một số kiến thức chuyên ngành tiêu biểu như An toàn thực phẩm, Đánh giá cảm quan thực phẩm, Hệ thống quản lý và tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm 1 và 2, Phân tích thực phẩm, Luật an toàn thực phẩm, Phân tích rủi ro và quản lý an toàn thực phẩm, Độc tố học cơ bản trong thực phẩm, Quản lý chuỗi cung ứng và truy xuất nguồn gốc thực phẩm, Thực hành chuyên ngành ĐBCL & ATTP, Công nghệ bảo quản và chế biến các sản phẩm  rau, quả, đường mía, bánh kẹo, thủy sản, chè, cà phê, ca cao, lương thực, thịt, trứng, sữa, rượu, bia, nước giải khát…

Theo học ngành này, sinh viên còn được học những kiến thức bổ trợ, kỹ năng mềm… giúp sinh viên có khả năng thiết kế và tiến hành các thí nghiệm trong lĩnh vực ĐBCL & ATTP; tính toán, phân tích và ứng dụng kết quả thí nghiệm vào thực tiễn để cải tiến các quá trình sản xuất thực phẩm; sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp, tìm kiếm và đọc các tài liệu liên quan, sử dụng tin học văn phòng; có sự hiểu biết về trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực ĐBCL & ATTP.

III. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

  • Kiến thức

Chương trình đào tạo ngành Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm trang bị kiến thức về lý luận chính trị, khoa học tự nhiên, tin học, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, khối kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành thuộc lĩnh vực về Quản lý chất lượng và An toàn thực phẩm.

  • Kỹ năng

Chương trình đào tạo trang bị kỹ năng nghề nghiệp thực hiện được nhiệm vụ chuyên môn liên quan đến Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm từ đó phát huy tính sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp, khả năng tự học và tự nghiên cứu; tham gia nghiên cứu, giảng dạy và phát triển sản phẩm thực phẩm.

  • Năng lực tự chủ và trách nhiệm

Chương trình đào tạo xây dựng năng lực tự chủ của cá nhân như đạo đức nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; trách nhiệm công dân đối với xã hội và nghề nghiệp.

IV. CHUẨN ĐẦU RA

Kiến thức

– Áp dụng được kiến thức cơ bản về kinh tế, chính trị, xã hội và pháp luật vào công việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm.

– Sử dung được kiến thức về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và môi trường làm nền tảng tư duy để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong lĩnh vực Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm một cách khoa học và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghiệp 4.0.

– Áp dụng được kiến thức cơ sở ngành về lĩnh vực Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm cho lựa chọn, xử lý, bảo quản nông sản thực phẩm; tính toán và lựa chọn công nghệ sản xuất thực phẩm; phân tích, kiểm tra chất lượng nông sản thực phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm; nghiên cứu phát triển sản phẩm thực phẩm.

– Vận dụng được kiến thức chuyên ngành và kiến thức bổ trợ về lĩnh vực Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm làm cơ sở cho xây dựng, đề xuất cải tiến về công nghệ sản xuất, quản lý chất lượng, phát triển sản phẩm thực phẩm; khai thác, tổng hợp và phân tích thông tin khoa học trong soạn thảo đề cương, thực hiện đề tài nghiên cứu và các công việc chuyên môn trong thực tế.

Kỹ năng

– Kỹ năng thực hiện được nhiệm vụ chuyên môn trong quản lý về đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm như tư vấn, phân tích, kiểm định, kiểm soát các chỉ tiêu liên quan đến chất lượng thực phẩm; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm trong dây chuyền sản xuất.

– Kỹ năng xây dựng đề cương, thực hiện nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh chuyên môn; phân tích dữ liệu, diễn giải và truyền đạt các kết quả thực hiện, đánh giá chất lượng và hiệu quả công việc.

– Kỹ năng tạo ra ý tưởng, phát triển khởi nghiệp như một chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho mình và cho người khác trong môi trường nghề nghiệp luôn thay đổi; kỹ năng tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo về lĩnh vực đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.

– Sử dụng hiệu quả các hình thức giao tiếp và thuyết trình trong học tập và nghề nghiệp; giao tiếp bằng ngoại ngữ trong học tập và nghề nghiệp, tối thiểu đạt trình độ bậc 3/6 của Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam (Chứng chỉ B1 tiếng Anh hoặc các chứng chỉ Quốc tế tương đương); làm việc nhóm và hợp tác trong và ngoài lĩnh vực chuyên môn.

Năng lực tự chủ và trách nhiệm

– Có năng lực tự chủ trong làm việc, học tập một cách độc lập hoặc theo nhóm; có năng lực phân tích, tổ chức và giám sát thực hiện các vấn đề liên quan chuyên môn ngành Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm một cách có hiệu quả.

– Thể hiện trách nhiệm đối với xã hội, tính chuyên nghiệp, đạo đức chuyên môn và nghề nghiệp của một kỹ sư ngành Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm.

V. VỊ TRÍ VÀ CƠ HỘI VIỆC LÀM

Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm là một ngành đóng góp vai trò quan trọng trong những chiến lược phát triển của đất nước. Vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay được rất nhiều các doanh nghiệp và người dân quan tâm. Chính vì thế mà cơ hội việc làm ngành này được mở rộng, đa dạng và phong phú.

+ Kỹ sư làm việc tại các phòng quản lý chất lượng (QC: Quality control), giám sát, kiểm tra chất lượng (QA: Quality assurance); các phòng RD (Research development), KCS (kiểm tra chất lượng sản phẩm), tổ trưởng, quản lý và chỉ đạo sản xuất… trong các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh thực phẩm, doanh ngiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi;

+ Kỹ sư phân tích và  kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trung tâm phân tích, trung tâm kiểm định chất lượng, trung tâm y tế, phòng vệ sinh an toàn thực phẩm ở các tỉnh, thành phố hay các cơ sở ở địa phương;

+ Tham gia công tác cho các nhà phân phối thiết bị, dung cụ cho các cơ sở sản xuất hay các phòng thí nghiệm;

+ Kỹ sư điều hành các quy trình công nghệ tại các nhà máy, cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

+ Nghiên cứu viên trong các viện nghiên cứu về Công nghiệp thực phẩm, Kiểm nghiệm thực phẩm, Dinh dưỡng, Công nghệ sau thu hoạch…;

+ Kỹ thuật viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong các Trường, Viện có đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sau thu hoạch, Công nghệ chế biến thủy hải sản;

+ Tự tổ chức sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm, phụ gia thực phẩm…

+ Ngoài ra, người học có thể học tiếp các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước và quốc tế về Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sau thu hoạch, Công nghệ chế biến thủy hải sản, Dinh dưỡng người và Đảm bảo chất lượng – An toàn thực phẩm

Sinh viên ngành ĐBCL & ATTP trong lớp học và phòng thực hành
Sinh viên ngành ĐBCL & ATTP trong lớp học và phòng thực hành

Xem thêm Cơ hội việc làm ngành Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm tại đây

VI. THÔNG TIN KHÁC

Sinh viên ngành ĐBCL & ATTP có cơ hội được đi thực tập thực tế nhiều cơ sở liên quan đến lĩnh vực ĐBCL & ATTP.

Sinh viên ngành ĐBCL & ATTP tại các buổi đi thực tập thực tế tại các cơ sở Chế biến thực phẩm
Sinh viên ngành ĐBCL & ATTP tại các buổi đi thực tập thực tế tại các cơ sở Chế biến thực phẩm

THÔNG TIN LIÊN HỆ TƯ VẤN TUYỂN SINH

Hotline: 0888.011.101; 0234.3514294;
Email: 
tuyensinh@huaf.edu.vn;
Website: 
tuyensinh.huaf.edu.vn;  ckcn.huaf.edu.vnhuaf.edu.vn;
Zalo: Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế